Cài đặt LaTeX trên Windows

Bài viết này dành cho người mới bắt đầu với TeX hay LaTeX.

Khi bạn soạn thảo văn bản bằng M$ Word (cái này cần có Đô la để mua) thì những gì bạn thấy trên màn hình lúc gõ và kết quả in ra là giống nhau. Còn khi soạn thảo văn bản khoa học bằng TeX (không tốn xu nào để mua cả) thì bạn cần phải soạn thảo mã lệnh trong tập tin .tex, sau đó ra lệnh biên dịch thì mới có kết quả để xem hoặc in ấn. Tôi xin giải thích luôn để bạn không nhầm lẫn giữa TeX và LaTeX. TeX là một hệ thống soạn thảo văn bản khoa học mà ta đang đề cập, còn LaTeX là tên của một tập hợp gồm các lệnh quy ước để soạn thảo văn bản. Thực ra thì không quá khắc khe như vậy đâu, chúng ta có thể nói là soạn thảo văn bản Toán học bằng TeX hay LaTeX đều được.

Một hệ thống TeX phải có 3 thành phần và chức năng của chúng được minh hoạ như hình dưới đây:

Sơ đồ biên dịch trong TeX

Thành phần thứ nhất là phần mềm soạn thảo tập tin .tex mà được gọi chung là TeX Editor. Hiện nay có nhiều Editor bao gồm miễn phí và có phí. Mình thì thích TeXmaker vì tính đơn giản mà hiệu quả của nó, giao diện không quá rối rắm như WinEdt hay Viettex để chừa trống nhiều diện tích màn hình cho việc gõ nội dung hơn. Hiện nay cái tên TeXmaker đã ngừng phát triển. Tuy nhiên chúng ta đừng buồn vì em đã được đổi tên thành TeXstudio và trưởng thành hơn. TeXstudio được tối ưu hơn với dung lượng bản cài đặt chỉ còn 38MB so với 58MB của TeXmaker nhưng chức năng auto completion lại tốt hơn. Bản cài đặt có thể được tải về tại địa chỉ http://www.texstudio.org/ và cài đặt như một phần mềm bình thường trên Windows.

Thành phần thứ hai là chương trình biên dịch (compiler), có chức năng biên dịch mã tex để xuất ra sản phẩm dạng pdf, ps, dvi. Định dạng sản phẩm xuất ra được nhiều người ưa thích nhất là pdf. Trình biên dịch thông dụng trên Windows hiện nay là MikTeX. Ngoài ra còn có trình biên dịch TeXlive có thể chạy được cả trên Windows, Linux, Mac OS. Bạn có thể tải và cài đặt MikTeX bình thường tại địa chỉ http://miktex.org/download

Thành phần thứ ba là phần mềm xem trước kết quả. Mình thích nhất SumatraPDF vì tính nhỏ gọn. Ngoài ra cũng có một số phần mềm có chức năng tương tự như Adobe Reader, Foxit Reader, Nitro Pdf, ... SumatraPDF có một tính năng rất hay là nó không khoá tập tin PDF và cấm ghi khi đang mở, tự động reload khi có thay đổi. SumatraPDF có thể tải về và cài đặt tại địa chỉ http://www.sumatrapdfreader.org/download-free-pdf-viewer.html

Bài tiếp theo mình sẽ hướng dẫn soạn thảo và biên dịch tài liệu đầu tiên.
 

Cùng chuyên mục:

MỚI CẬP NHẬT
Top